trích dẫn

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không ngoa ngoắt cũng (là) gài (gái) Đô Lương

2.9.11

Vụn vặt ...III

 

Vụn vặt III

     Chiến tranh ngày càng thêm khốc liệt. Dân Thị trấn nhà mình lại chạy vào Đông Sơn, ẩn nấp dưới những cái hầm khoét theo kiểu hàm ếch. Có lẽ lần đầu tiên tiếp xúc với kiểu chiến tranh bắn phá bằng máy bay cho nên người dân Thị trấn nghĩ rằng vào vùng nông thôn, mặc dù rất gần nhà để tránh bom đạn sẽ an toàn hơn. Nhưng thưc tế, chỗ mà dân mình vào tránh bom lại là nơi bị thả bom nhiều nhất, bởi ở đó gần với trân địa pháo cao xạ !!!. Hú vía, thằng Mỹ nó ném bom là nhằm vào các căn sứ quân sự, chứ giết người dân thường không thôi thì nó đâu có thèm! Thế mà dân mình lại cứ nghĩ  thị trấn đông dân là mục tiêu của chúng nó. Khi dân mình trở lại nhà rồi thì ở đó mới bị hứng đủ các loại bom.  Sau này nghe có người kể lại, anh Thành, có tên gọi là Thành Cáu thường vào đó, ngồi chồm hỗm trên quả bom nổ chậm  để...ỉa cho bõ ghét!
      Nhà mình như bao nhà khác, đào được một cái hầm Triều Tiên kiên cố. Có những đêm nghe tiếng máy bay, mẹ lay anh Hà dậy rồi quay sang bồng mình chạy ra hầm. Biết, nhưng mình cứ giả vờ ngủ say để được mẹ bồng. Xuống đến hầm rồi, không thấy anh Hà đâu, mẹ gọi Hà ơi thì nghe tiếng anh đang ở trên giường trong nhà, ngái ngủ: "Dạ...em đây...". Thế là mẹ lại tất tả chạy vào lôi anh xuống. Trong nhà mình, dưới gầm giường còn đào một cái hầm nữa. Một lần, có anh bộ đội từ chiến trường ra theo đường mòn Trường Sơn (Thị trấn quê mình nằm dọc Quốc lộ 7, đường đi lên cột mốc số 0) vào nhà mình nghỉ tạm. Nói thêm một chút về gia đình mình, nếu không vì nghĩa, vì tình, vì đạo đức vốn rất được mẹ coi trọng thì gia đình mình phải đòi hỏi chế độ "có công với cách mạng" rồi. Bởi trong những năm chiến tranh, nhà mình luôn luôn là nơi nhường bếp, nhường giường cho bộ đội trên đường hành quân vào Nam hay ra Bắc bằng "con đường mòn huyền thoại" của đất nước. Những đoàn xe quân sự nối dài, những đoàn bộ đội hành quân thường nấu ăn ở trong nhà. Đêm đó anh bộ đội ngủ chung với cha và anh Hà. Bỗng nhiên lúc mọi người đang ngủ say thì anh bật dậy, chân đạp cả cha cùng anh Hà lăn xuống hầm, miệng hô "xung phong". Cái xóm nhỏ bừng tỉnh giấc, người thì gậy gộc, đòn gánh, người thì dây thừng, dao đứng đón lõng "kẻ gian". Khi biết chuyện, ai nấy cười hể hả, vui vẻ. Anh bộ đội thì không nói được gì, chỉ ngượng ngùng xin lỗi. Sáng hôm sau anh từ biệt gia đinh mình để đi sớm. Cái khăn mặt màu cỏ úa anh bỏ quên, cha cứ xuýt xoa: "anh mớ (nói mê) quên cái khăn đây rồi, lấy chi mà lau nà?"
      Chuyện về những năm tháng chiến tranh thì nhiều, nhiều lắm. Lạ nỗi là chuyên vui cũng rất nhiều, đặc biệt là về tình, nghĩa xóm giềng, kể cả sự lo lắng cho những người không quen biết. Có lẽ khi sự sống và cái chết chỉ cách nhau như một lằn ranh thì mọi bon chen, ích kỷ không tồn tại để làm gì.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét