trích dẫn

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không ngoa ngoắt cũng (là) gài (gái) Đô Lương

11.6.11

Dân tiền, chính quyền hậu

       Gần như đã trở thành thông lệ, cứ đến mỗi kỳ bầu cử Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp thì nhân dân và chính quyền địa phương ở xứ tôi (mà có lẽ không chỉ riêng xứ tôi) đều có kế sách riêng của mình. Ai cũng đã “hiểu tận lòng nhau” nhưng đều ngấm ngầm chớp thời cơ được cho là có lợi.
       Phía nhân dân thì sử dụng kế sách tiền bầu cử. Nghĩa là có việc gì đó muốn phản ảnh, kêu ca, phàn nàn hay khiếu kiện lên chính quyền là chỉ thực hiện trước bầu cử. Họ hy vọng các cấp lãnh đạo “nể dân”, sợ lung lay đến vị trí cái ghế của mình mà sẵn sàng đáp ứng nguyện vọng của họ, dẫu rằng sự việc này, nguyện vọng này họ đã “kêu” từ lâu và kêu nhiều lần mà không được.
       Phía các cơ quan công quyền hay các cơ quan có liên quan thì sử dụng kế sách hậu bầu cử. Nghĩa là khi vị trí chiếc ghế đã được an bài thì họ chẳng phải kiêng nể ai nữa cả. Việc gì đã từng bị dân phản đối, họ không làm ngay để thực hiện theo ý nguyện của dân mà ém lệnh chờ sau bầu cử sẽ tiến hành theo ý họ.
Có một chuyện vui vui ở xứ tôi như sau: để chào mừng ngày bầu cử, toàn dân tham gia dọn vệ sinh trong khu dân cư. Ngồi nhổ cỏ bên cạnh cái hố ga, ông khối trưởng nói với chúng tôi rằng nếu tắc cống thải hay tràn hố ga bây giờ sẽ dễ gọi bên môi trường đến thông tắc, chứ sau bầu cử gọi cho được họ khó lắm. Ông cười, rồi như nói riêng với cái hố ga:
       - Tắc chi, tràn chi thì tắc, tràn dừ đi chớ đừng để sau bầu cử mới lại tắc với tràn, nhọc lắm.
       Chuyện dân tiền, chính quyền hậu đưa chúng tôi trở về bàn luận việc tái định cư khu chung cư này.
       Khu chung cư chúng tôi ở là khu chung cư đầu tiên của tỉnh, được nước CHDC Đức, một “người bạn lớn” trong khối XHCN trước đây giúp đỡ xây dựng năm 1974, đến năm 1977 đưa vào sử dụng. Những hộ gia đình lên chung cư là những hộ có nhiều đóng góp, công nhân viên tiêu biểu, gia đình chính sách,v.v... nói chung là những hộ được lựa chọn kỹ càng về tiêu chuẩn. Những người không thuộc diện ưu tiên thì phải ở lại trong khu tập thể tồi tàn, trên dột, dưới trống huơ, trống hoác. Sau này, đất tại khu tập thể đó được chia cho từng hộ ở lại để làm nhà riêng. Thời điểm đó, tấc đất chưa phải là tấc vàng như bây giờ nên Nhà nước chẳng thu một đồng nào tiền đất cả mà được gọi là phân đất. Những hộ lên chung cư được gọi là phân nhà, ổn định được một thời gian lại phải làm hợp đồng thuê nhà và phải nộp tiền hàng tháng. Mục đích là dùng tiền đó để sửa chữa nếu có hư hỏng. Vui vẻ, sẵn sàng (ngày đó từ ôkê chưa thông dụng như bi giờ). Rất may, công trình do chuyên gia kỹ thuật của Đức giám sát thi công nên cơ quan quản lí khu nhà này chẳng phải nhọc công, tốn sức, hao tiền sửa chữa gì. Đời sống người dân mỗi ngày một nâng cao nên nhiều gia đình đã tự bỏ tiền cải tạo căn hộ của mình khang trang hơn, đẹp đẽ hơn. Tuy vậy, xu thế đi lên của thời đại khiến những nhà hoạch định chiến lược phát triển thành phố loại một muốn những khu nhà cũ kỹ này trở thành những khu chung cư cao cấp. Bây giờ họ mới thực hiện Nghị định 61 của chính phủ về việc bán nhà ở của Nhà nước cho người đang thuê và mời các nhà đầu tư vào làm dự án tái định cư. Đang chộn rộn vì tái định cư thì chúng tôi được thông báo mỗi hộ nộp 100 ngàn đồng để đóng góp vào công trình điện chiếu sáng sân, đường. Tất nhiên dân chẳng đồng tình. Bởi cái gọi là quy hoạch ở thành phố này cũng như trên cả nước, đâu đâu cũng giống nhau ở chỗ xây công trình xong chẳng bao lâu lại phải dỡ bỏ hoặc đào lên, rồi lại lấp xuống vì “ý tưởng”. Chẳng may hệ thống điện này không đúng với thiết kế quy hoạch của nhà đầu tư thì sao? Thế rồi công trình vẫn hoàn thành. Khu nhà chúng tôi đêm đêm được chiếu sáng bởi những ngọn đèn đỏ quạch. Có điều, người dân tỏ vẻ thờ ơ, thậm chí mọi người hầu như không thèm để ý đến chúng. U tối mấy chục năm nay thành ra quen rồi mà! Dân mình giỏi chịu khổ đến tệ hại.
        Những tưởng cái khoản đóng góp kia không cần nữa. Nhưng sau khi cái loa phường thôi không đọc danh sách trúng cử Hội đồng nhân dân được mấy bữa thì cái loa khối lại đề nghị bà con nộp tiền đã làm hệ thống điện chiếu sáng: “Nếu khối ta không thu đủ thì sẽ ảnh hưởng đến điểm thi đua cuối năm”. Lại xôn xao, ồn ào. Ai cũng bảo thôi thì khối mình đừng thi đua nữa mà phải chấp nhận “thua đi” thôi. Chuẩn bị bầu cử thì tạm thời ém lệnh đã. Xong bầu cử rồi lại tung ra buộc dân phải thực thi.
       Thì ra là thế!. Dân tiền, chính quyền hậu là thế đó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét