trích dẫn

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không ngoa ngoắt cũng (là) gài (gái) Đô Lương

30.11.11

Đọc bài người ta, nhớ ra kỷ niệm.

      Sáng nay đọc "Mần tình phải bất thình lình" của anh Cu Vinh, mình cười chảy nước mắt. Điêu ngoa đến thế là cùng. Ừ, nhọn thì có nhọn, thậm chí là nhọn hoắt đấy, nhưng làm gì đến nỗi  "nó cà từng đường, rớm máu", đau oặt người...". Khiếp!
      Mình lại nhớ đến ngày xưa, hay nói theo cách của các nhà văn là "kỷ niệm cũ lại ùa về"...
      Năm đó, mình chả nhớ năm nào nữa, bom đạn bắn phá dữ quá,  ác liệt quá, lớp học sinh như mình phải nghỉ học. "Dân cày đường nhựa"  như mình không biết làm chi, mình cứ chạy sang nhà o Chắt Tùng, thợ may, xin đạp máy. Khi đạp thạo rồi, mình được o "giao" cho ngồi chần xu-chiêng (áo lót ngực, nghe nói đó là phiên âm từ tiếng Pháp). Bọ Vinh nói nó được lót một mảnh bạt bên trong, nhưng thực ra những cái lót bạt là hàng của "đại gia" đấy. Còn chủ yếu lót bằng bì tải, loại bì sợi gai, cùng với  giẻ vụn và giấy. Thủ thuật của nhà may là trước hết viền xung quanh để không ai có thể thấy được  lớp lót bên trong, rồi khi bán cứ quả quyết với khách hàng là nó được lót bằng vải bạt. Viền xong là đạp chần ngang,chần dọc theo kiểu ca-rô, càng dày càng tốt. Các chị đến mua là cứ nắn, nắn cái đỉnh nhọn của nó, thấy cái đỉnh nào cứng ngắc, không bị lõm xuống, được coi là hàng "thứ thiệt", ưng ý lắm lắm. Từ sáng sớm, O Chắt đi chợ, giao cả nhà cửa, hàng hóa, với ba đứa con cho mình. O không may cái gì khác ngoài xu - chiêng nên mình cứ thoải mái đạp. Có đợt, chú Liễu ốm tưởng chết, phải nằm viện, O Chắt tất tả chạy đi, chạy lại, vừa chăm sóc chú, vừa quán xuyến việc nhà. Đêm đến, mình xin cha, mẹ sang ngủ bên nhà O. Mỗi khi có máy bay, O bồng em Tuấn (sau này em bị mất vì bệnh), mình bồng thằng Hải, rồi đến lôi thằng Hồng xuống hầm. Mình cũng không hiểu tại sao khi đó mình lại làm được như vậy. Rồi một buổi chiều, ở bên nhà O Chắt về, minh tung tăng vừa đi vừa hát. Bỗng bàn tay mình khi huơ lên, chạm trúng cái góc bàn, đau điếng. Mình choáng váng, xây xẩm mặt mày, rồi đổ cái rầm. Cha, mẹ và anh Hà đang nặn bánh bèo (ở Huế gọi là bánh lọc) trong bếp nghe vậy, tưởng mình làm đổ cái gì. Mẹ hỏi vọng ra: "Chi rứa Long?" Không thấy mình trả lời, mẹ nói anh Hà: "Con ra coi hắn làm đổ cấy chi mà không dám nói rứa!" Anh Hà chạy ra, thấy mình nằm sóng xoài giữa nhà liền hét to: "Đẻ ơi, con Long hắn chết rồi!". Cha, mẹ chạy ra bồng mình lên rồi gào khóc, cứ như mình chết thật rồi. Một lúc sau, mình tỉnh dậy như không. Sáng hôm sau, mình được "đặc cách" cho ăn một bát phở gà. Khỏi nói mình sung sướng đến cỡ nào. Hồi đó, hễ thấy mẹ sờ trán minh rồi tỏ vẻ lo lắng là mình sướng rơn trong bụng, chỉ mong mẹ thốt lên một câu: "lại nóng rồi". Để rồi sáng mai, mình lại được mẹ cho ăn phở. 
      Sau bữa đó, O Tứ, vợ chú Thành, cũng là thợ may sang rỉ tai mẹ: "Bà đừng cho con Long hắn may nữa, vì ngồi tì ngực vô bàn máy là gây đau tim đó." Từ đó, mình không được may nữa. Cái nghề mình yêu thích chấm dứt từ đó, mặc dù mình mới chỉ tập tọng học may xu-chiêng, thứ mà mấy chục năm sau không ngờ lại được "phục dựng" bởi các nhà biên kịch và đạo diễn. Chỉ tiếc là đến nay, khi đọc bài viết của bọ Vinh mới biết là khi làm phim Ngã ba Đồng Lộc, các "nhà" ấy phải vất vả lắm mới có "đạo cụ" này cho diễn viên. Chứ nếu biết sớm thì biết đâu mình đã có được một hợp đồng mần ăn rồi. Mấy trăm cái chứ ít đâu! Hì hì...




      

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét