trích dẫn

Chẳng thơm cũng thể hoa nhài - Dẫu không ngoa ngoắt cũng (là) gài (gái) Đô Lương

26.5.11

Vào bệnh viện

      Vừa sáng sớm Hương đã gọi điện: “bác chở em đưa con bẹp đi khám cái, cả đêm hắn ngứa không ngủ được”. Rồi, ô kê!
       Trước lúc đi mình phải cất cả giấy tờ, tiền bạc và điện thoại di động của cả hai chị em vào túi quần. Phải cảnh giác với mấy cái “anh” cướp giật ngoài đường. Cái túi xách chỉ dùng để đồ cho con bé, không cần ngoắc hay kẹp vào đâu, vì sợ bọn cướp nó giật gây tai nạn. Hì hì, cảnh giác cỡ mình thì cái đám cướp giật có mà ăn cám. Xuống đến bệnh viện khám và chữa bệnh da liễu đã thấy đông nghịt người và xe máy. Ái ngại thật nhưng mà đi khám bệnh cho con nít thì phải cố thôi.
       Vào bệnh viên mình đưa thẻ bảo hiểm y tế trình thì cô nhân viên ngồi viết đăng ký khám hỏi “cháu mô, đưa cháu vô đây chớ lỡ ra đăng ký cháu khám mà người khác khám thì răng?”. Mình vội vàng kêu Hương bồng cháu vào để người ta coi mặt. Chỉ có mấy người đứng ở ô đăng ký mà sao chen chúc khó chịu quá. Cảnh giác, túi quần bên phải mình tì vào tường, túi bên trái thì thò tay vào nắm chặt điện thoại và tiền. He he, mấy thằng móc túi kiểu này thì “bó tay.com" nha! Đúng là kẻ cắp gặp bà già. Giấy tờ vậy là xong. Khi ra ngồi chờ Hương bồng con vào khám thì thấy một cô bé vẻ hốt hoảng ôm con ra, đặt nó xuống ghế rồi lục lọi túi xách: “chết rồi, ví mất rồi”. Thế rồi cô bé chạy loanh quanh, nói hết với người này người kia: “tiền thì em biếu luôn cũng được, nhưng giấy tờ mất phải làm lại, lôi thôi lắm”. Lúc đó nhìn lại phòng khám mới thấy giòng chữ “đề phòng mất cắp” được in vào một tờ giấy dán ngay cửa ra vào. Khốn nạn, cái bọn ăn cắp thật sự lương tâm bị chó ăn mất rồi. Nó có bị bệnh rồi vào bệnh viện mới biết được nỗi khổ nhục của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Khổ vì đau ốm bệnh tật lại phải chen chúc hai, ba người một giường. Mùa đông còn đỡ, chứ mùa hè đúng là hơn bị tra tấn. Tất nhiên nằm viện cũng được xem là một hình thức bị tra tấn rồi. Còn nhục vì suốt ngày phải dò xét thái độ y,bác sỹ. Thấy họ không vui là cứ nghĩ nình có lỗi với họ. Thế rồi cứ phải nhăn nhăn, nhở nhở mỗi lần họ đi qua bằng những nụ cười méo xệch. Phong bì ít tiền thì có khi bệnh nhẹ bị phán là nặng làm cho cả nhà toát mồ hôi hột, khóc lóc như cái chết đến cận kề vậy. Ngược lại, bệnh nặng thì được động viên “về đi, không can chi”. Lũ kẻ cắp lưu manh có lẽ thấy khẩu hiệu “Lương y như từ mẫu” ở hầu hết các bệnh viện nên nghĩ những người vào viện là được mẹ hiền chăm sóc, sung sướng lắm đây. Không biết chia sẻ với cô bé kia như thế nào, mình chỉ biết động viên và nhắc nhở cô kể cả vào chùa, nơi tôn nghiêm nhất cũng đầy rẫy lưu manh, phải cảnh giác, cảnh giác và tuyệt đối cảnh giác.
       Vừa vẩn vơ suy nghĩ, vừa sẻ chia tinh thần với người mất cắp thì Hương bế con ra cười tươi rói:
       - Bác ơi, xong rồi.
       - Nhanh rứa?
       - Thì vô đó họ chỉ nhìn qua thôi chớ có khám xét chi.
       - Họ nói hắn bệnh chi rứa?
       - Bệnh sản ngứa bác ạ! Mà răng nghe lạ rứa chớ từ khi mô đến dừ nói đến sản ngứa chỉ dành cho những người đã qua sinh nở rồi chớ, đúng không bác?
       - Ừ, có biết à. Bác sỹ nói chắc đúng là có bệnh nớ thật.
       - Em hỏi cần kiêng những thức ăn chi, ông nớ nói cái chi ăn ngứa thì kiêng. Biết được cái chi ăn ngứa đây. Bác sỹ tư vấn cho bệnh nhân kiểu nớ thì cần chi phải đi khám.
        - Ừ!
         Ừ thôi chứ biết làm sao được. Mình không biết mô tê gì về y học thì phải biết nghe lời tư vấn của bác sỹ. Tư vấn vậy là an toàn nhất, không ai cãi được.       

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét