Hình như tôi đã đọc một tác phẩm văn học nào đó có tựa đề này. Tôi không có tham vọng sáng tác, và cũng chẳng nhớ nội dung tác phẩm đó, nên tôi không sợ “đụng hàng” . Chỉ là ký ức xưa bỗng ùa về mà thôi.
Tôi đã hơn 50 tuổi. Nghĩa là cái dốc Cuộc Đời, tôi đà qua quá nửa. Chợt se lòng khi so sánh tuổi thơ tôi và tuổi thơ của các con tôi.
Tuổi thơ tôi có những đêm trăng sáng trong, học bài xong, mấy đứa rủ nhau chơi trò bàng đình chiến*. Tuổi thơ tôi có những bữa cởi trần, nhảy loi choi giữa cơn mưa rào mùa hạ, ngửa mặt lên, uống những giọt nước tinh khiết của Trời. Tuổi thơ tôi đi học được các cô, thầy quan tâm, dù nhà rất nghèo. Thỉnh thoảng cô chủ nhiệm lại tới nhà chơi, gặp cha mẹ tôi để thông báo việc học tập của tôi. Với mấy chục học sinh trong lớp cô đều quan tâm như vậy. Tuổi thơ tôi có nhiều trò chơi dân gian mà bây giờ các con tôi cũng như bạn bè chúng không có. Tuổi thơ tôi ăn, học, ngủ đều diễn ra dưới cái hầm Triều Tiên chật chội, sáng sớm mai lên quét nhà, thấy vương vãi những hòn bi. Mẹ tôi nói đó là những hòn bi trong quả bom bi hồi đêm hắn ( máy bay ) thả xuống gần đâu đây. Nhà tôi cách trận địa pháo cao xạ không xa, nên thỉnh thoảng bọn con nít chúng tôi vẫn được xem máy bay Mỹ bị bắn cháy. Sau một loạt bom, ghé mắt nhìn qua cửa hầm, thấy cái đuôi máy bay có một luồng khói trắng, vậy là mọi người chạy ào lên reo hò vang trời. Trẻ con thì cứ ngửa cổ lên trời nhìn cho đến khi máy bay bổ nhào và nhìn theo viên phi công cùng chiếc dù treo lơ lửng cho tới khi khuất hẳn mới thôi. Còn người lớn thì chuẩn bị giây thừng để đi trói giặc lái. Ai ai cũng hồ hởi, ai ai cũng rạng ngời. Tiếng hỏi thăm râm ran, tiếng kể chuyện bắt giặc lái râm ran. Niềm vui lại lan tỏa, mặc dù sự hiện hữu của chết chóc vừa đi qua chưa lâu.Thị trấn nhỏ của chúng tôi lại trở về bình yên như vốn có.
Tuổi thơ tôi có những khoảnh khắc, những tháng ngày như vậy đấy. Còn nhiều, nhiều nữa những kỷ niệm để mỗi lần mấy anh em trong gia đình có dịp ngồi ăn cơm cùng nhau ôn lại. Những kỷ niệm xa xôi hiện về. Trong tuổi thơ thế hệ chúng tôi không bao giờ thấy được nỗi lo thường trực của các đấng sinh thành. Có chăng chỉ là nỗi lo khi con đang đến trường mà máy bay lại đang oanh tạc. Chỉ vậy thôi. Ai có con cũng đều có niềm tự hào. Ai có con cũng đều có hy vọng. Giờ đây, sau gần 30 năm làm mẹ, sao tôi thấy nhiều nỗi lo đến vậy, trong khi chiến tranh chấm dứt đã từ lâu. Con tôi tới trường ngày hai buổi. Tối đến lại còn phải chuẩn bị bài cho ngày mai. Ánh trăng trong,huyền ảo không còn, thay vào đó là ánh điện sáng trưng. Vả lại các trò chơi dân gian không còn, nên chúng không cần biết đến sự háo hức khi chờ trăng lên. Không còn cảnh tắm giữa trời mưa mùa hạ, vì nước mưa đâu còn được như xưa. Vẫn là nước của trời cao nhưng nó còn có thêm a- xit. Mỗi lần đưa con tới lớp, tôi gần như phải trốn chạy ánh mắt của cô, bởi vì con tôi không đi học thêm ở nhà cô, trong khi các bạn trong lớp nó, kể cả con giáo viên đều đến nhà cô học. Chúng ra đường không có đạn bom, nhưng có những thứ còn đáng sợ hơn cả đạn bom. Sự hỗn loạn, phức tạp của xã hội luôn là ác mộng đối với tôi. Tôi luôn luôn lo lắng, không dám tin, không dám hy vọng như thế hệ cha, mẹ tôi ngày xưa. Con tôi ra đường, đến trường, mỗi khắc nó về muộn là mỗi khắc tôi phấp phỏng âu lo. Bởi bao cám dỗ, bao tệ nạn luôn rình rập, bao vây, giăng mắc trước cổng trường. Đứa trẻ nào có bản lĩnh vững vàng thì đỡ phải lo. Còn hiền lành, ngoan ngoãn, lại học khá, được thầy cô yêu, bạn bè mến và thiếu bản lĩnh thì coi như lọt vào tầm ngắm. Một thời gian tôi nghỉ ở nhà vì không có việc làm thì con tôi còn là con ngoan, trò giỏi, là một gương mặt sáng giá nhất ở trường.Khi tôi có việc làm và mải mê với công việc ở cơ quan thì con tôi đã tuột khỏi vòng tay của mẹ. Khi đạo đức, tư cách của một con người xuống cấp thì nó giống như một cái xe lao xuống dốc không phanh. Tôi tránh né mọi chỉ trích, chê bai, thậm chí dè bỉu của người đời bằng cách đổ lỗi cho số phận. Số phận tôi khổ vì con. Còn con tôi phải long đong trong cuộc đời, mặc dù tôi luôn nhắc nhở con tôi rằng “tính cách làm nên số phận”. Qua mỗi ngày bình yên, sau giấc ngủ chập chờn, đến sáng mai, tôi mới dám khẳng định rằng ngày hôm qua ta đã được bình yên.
Cách đây không lâu, có một đêm tôi nằm mơ thấy mình còn bé.Trong giấc mơ tôi thấy khi cơn giông vừa dứt, tôi vội vàng chạy đến cái máng nước giữa hai mái tranh của phòng trên và nhà bếp. Nhón chân lên, tôi nhặt được những quả táo chín ngọt của nhà bác Cao rụng sang máng nhà tôi. Nhà bác chung vách với nhà tôi, nên mỗi lần trời mưa có gió mạnh một tí là trên cái máng hứng nước giọt của nhà tôi lại đầy táo. Chẳng biết có phải do lúc đó chưa có những thứ quả ngon như bây giờ hay sao mà cái vị ngon của trái táo nhà bác vẫn là cái vị tôi thấy thèm,để đến giờ, sau mấy mươi năm tôi còn mơ về nó. Một giấc mơ nhẹ nhõm, ngọt ngào. Tiếc thay nó lại chỉ là giấc mơ. Song, đó cũng là điều tôi mong muốn. Mơ cũng được, chỉ cốt là nó thực sự bình yên.
*Trò chơi này chia làm hai phe,gần giống như trốn tìm nhưng khi phát hiện ra đối phương thì đứng dậy hô”bắn bàng”và người đó( đối phương )bị “ chết “.
.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét